fbpx

4 Điều cần biết về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Redsunland.vn – Là một mô hình khu công nghiệp mới hướng tới phát triển bền vững, khu công nghiệp sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như xã hội và đang trở thành xu thế phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam. Nhằm giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về mô hình này, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về khu công nghiệp sinh thái. 

4 Dieu Can Biet Ve Khu Cong Nghiep Sinh Thai Tai Viet Nam Redsunland

1. Khu công nghiệp sinh thái là gì?

Theo Khoản 5 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại luật này.

Nói cách khác, khu công nghiệp sinh thái là “cộng đồng” các doanh nghiệp cùng sản xuất, dịch vụ hướng đến mục tiêu vừa phát triển vừa bảo vệ môi trường.

4 Dieu Can Biet Ve Khu Cong Nghiep Sinh Thai Tai Viet Nam Redsunland 1
Một góc KCN WHA trong KKT Đông Nam Nghệ An

Việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững và góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát triển quá trình sản xuất theo hướng tuần hoàn thay thế cho mô hình tuyến tính. Trong khu công nghiệp, đầu ra hoặc chất thải, sản phẩm phụ của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác. Mô hình khu công nghiệp sinh thái cũng tích hợp tất cả các vấn đề xã hội và kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể khu công nghiệp, theo đó, tạo điều kiện cho các ngành nghề trong khu công nghiệp kết hợp và tương hỗ lẫn nhau, tạo thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.

2. Tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái

Tiêu chuẩn của khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi sự đầu tư lớn mới có thể đáp ứng quy định, cụ thể:

  • Kết cấu hạ tầng phải đúng pháp luật, bảo vệ môi trường, đầy đủ dịch vụ cơ bản
  • Sản xuất sạch, sử dụng tài nguyên hiệu quả
  • Có tối thiểu 25% diện tích đất dành cho công trình xanh
  • Có ít nhất 1 liên kết cộng sinh công nghiệp với ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp thành viên tham gia
  • Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động
  • Có cơ chế giám sát, quản lý đầu vào, đầu ra, hoạt động hiệu quả tài nguyên, phát thải
  • Thực hiện công bố báo cáo bảo vệ môi trường hàng năm

Thông tin chi tiết về tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái được quy định tại Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

3. Lợi ích của khu công nghiệp sinh thái

Với việc gắn sản xuất với hoạt động bảo vệ môi trường, chủ đầu tư, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp và cả địa phương đều được hưởng lợi. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng Khu công nghiệp, Khu kinh tế, cho từng địa phương và cả nền kinh tế.

Đối với chủ đầu tư

Việc vận hành khu công nghiệp theo mô hình tái tuần hoàn năng lượng, giảm phát thải carbon sẽ góp phần giảm các loại chi phí quản lý như phí quản lý cơ sở hạ tầng hay phí bảo vệ môi trường…, từ đó tăng sức hút đầu tư cho khu công nghiệp đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, việc định hướng khu công nghiệp thông minh – xanh phát triển bền vững cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới và Việt Nam hiện nay.

Đối với doanh nghiệp

Việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp sẽ giúp tiết kiệm được năng lượng như điện, nước, nguyên vật liệu đầu vào, nhận được chứng chỉ của các tổ chức quốc tế. Một doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất sạch hơn có thể phải làm quy trình từ 7 đến 8 tháng nhưng sau đó có thể thu hồi được vốn ngay và những năm tiếp theo vẫn sử dụng được phương pháp đó.

Chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh doanh và tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhiều thị trường quốc tế “khó tính” như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… luôn đặt ra tiêu chí lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất bền vững, do đó các doanh nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ được khách hàng đánh giá cao hơn vì thân thiện với môi trường.

4 Dieu Can Biet Ve Khu Cong Nghiep Sinh Thai Tai Viet Nam Redsunland 3
KCN DEEP C (Hải Phòng) phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ từ dự án UNIDO và Chính phủ Thụy Sỹ

Ngoài ra, doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái còn nhận được nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức và Chính Phủ. Cụ thể là ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư, vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng phát triển, các quỹ của nhà tài trợ quốc tế… Bên cạnh đó sẽ có cơ hội nhận được những giúp đỡ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ từ Quỹ đổi mới công nghệ, tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa cũng như quảng bá thương hiệu từ các tổ chức phi lợi nhuận xã hội.

Đối với địa phương

Quá trình thu hút số lượng lớn lao động địa phương vào khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp góp phần phát triển kinh tế cho khu vực, tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI.

4. Định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam

Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Hiện nay, dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD đang được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố gồm: TP. HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

4 Dieu Can Biet Ve Khu Cong Nghiep Sinh Thai Tai Viet Nam Redsunland 4
Các nhà đầu tư của Bờ Biển Ngà thăm quan KCN DEEP C

Tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40% – 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.

Trên đây Redsunland đã giới thiệu khái quát về khu công nghiệp sinh thái gồm khái niệm, tiêu chuẩn, lợi ích và một số định hướng phát triển ở nước ta, hi vọng có thể cung cấp thông tin hữu ích tới quý độc giả. Xem thêm các bài viết khác của Redsunland tại đây

0/5(0 Reviews)
Gọi điện thoại
0912.94.93.93
Đặt lịch
Đặt lịch