fbpx

Thị trường BĐS Đông Nam Á 2023: Việt Nam và Indonesia là hai ngôi sao mới

Redsunland.vn – Thông tin này được nêu ra trong Báo cáo triển vọng Đông Nam Á 2023 do Tập đoàn bất động sản Cushman & Wakefield công bố.

Thị trường BĐS Đông Nam Á 2023: Việt Nam và Indonesia là hai ngôi sao mới

Theo đó, báo cáo cho biết, bất chấp lạm phát và lãi suất gia tăng, năm 2022 là một năm bội thu của thị trường bất động sản (BĐS) Đông Nam Á với tổng khối lượng đầu tư đạt 18,8 tỷ USD, mức đầu tư cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Singapore tiếp tục là quốc gia đón đầu và thống trị nguồn vốn này, khi chiếm 83% khối lượng đầu tư ở Đông Nam Á. Trong đó, một số giao dịch đáng chú ý bao gồm Quỹ tín thác BĐS Link REIT thâu tóm hai trung tâm bán lẻ ngoại ô hàng đầu Singapore, Tập đoàn Kenedix mua lại 50% cổ phần trong một dự án phát triển văn phòng hạng A ở khu vực tài chính trung tâm. Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp vẫn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư với các thương vụ mua lại các tài sản kho lạnh và kho tự lưu trữ vào năm 2022.

Việt Nam và Indonesia cũng được Cushman & Wakefield đánh giá là hai ngôi sao mới với khối lượng đầu tư trong năm 2022 đã vượt qua mức trung bình 10 năm trước đó. Khối lượng đầu tư vào Philippines và Thái Lan vẫn giữ mức ổn định. Malaysia ghi nhận khối lượng đầu tư có dấu hiệu giảm, nguyên nhân là do ảnh hưởng của rủi ro chính trị, tuy nhiên, thị trường này vẫn chứng minh được tiềm năng khi đón nhận nguồn vốn lớn thứ hai khu vực sau Singapore. Nếu không tính lượng vốn tại Singapore, khối lượng đầu tư ở các thị trường còn lại tại Đông Nam Á đạt 3,3 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn 19,4% so với cùng kỳ.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu 2023 suy giảm, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng ổn định với dự báo GDP từ 5,9% đến 7,3%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia chịu sự phụ thuộc vào hoạt động thương mại với các đối tác toàn cầu, cùng với áp lực lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa ở nhiều quốc gia khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng. Hiện tượng khu vực hóa thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á gia tăng cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS hậu cần và công nghiệp, văn phòng và nhà ở. Khi chính sách hoàn thiện hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả hành chính được cải thiện, sẽ giúp thúc đẩy sự trưởng thành và thể chế hóa của thị trường BĐS Việt Nam.

Tại thị trường TPHCM, dù có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, nhu cầu BĐS văn phòng được kỳ vọng tiếp tục khả quan trong cuối năm 2023, đặc biệt là các tòa nhà chất lượng cao ở khu vực trung tâm. Việc Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư và những vụ ‘đại án’ trong quý IV/2022 đã tác động đến thời gian hoàn thành một vài tòa nhà văn phòng trong trung tâm TPHCM. Đối với thị trường Hà Nội, với tình trạng khan hiếm nguồn cung văn phòng trong trung tâm TP, việc các trung tâm kinh tế mới đang được xây dựng trở thành tâm điểm thu hút nhiều chủ đầu và DN. Nguồn cung văn phòng tương lai chủ yếu đang được xây dựng ngoài trung tâm, đặc biệt là các quận nội thành phía Tây. Những tòa nhà chất lượng cao sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho những tập đoàn lớn thuê văn phòng và mở rộng. Tuy nhiên, theo bà Trang Bùi, để lên chiến lược đầu tư tốt nhất, các nhà đầu tư nên theo dõi khung pháp lý đang được hoàn thiện và tham gia thị trường thông qua liên doanh với các nhà phát triển trong nước có uy tín.

Các chuyên gia dự báo, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cho các nền kinh tế Đông Nam Á. Nhu cầu tiêu dùng cao của nước này cũng báo hiệu tốt cho các khoản đầu tư thương mại, công nghiệp cũng như nhu cầu khách sạn, bán lẻ…. có thể chứng kiến mức tăng mạnh do sự trở lại của ngành du lịch. Đây cũng có thể coi là một trong những cơ hội cho sự hồi phục của thị trường BĐS Việt Nam thời gian tới./.

Nguồn: thuenhanuoc.vn

0/5(0 Reviews)
Gọi điện thoại
0912.94.93.93
Đặt lịch
Đặt lịch