Redsunland.vn – Các khái niệm về cụm công nghiệp và lý thuyết quy hoạch phân vùng cụm công nghiệp trong thời gian gần đây được chú ý và phát triển lý luận mạnh, được xem như một chính sách kinh tế để tăng cường hiệu quả phát triển ngành công nghiệp. Quy hoạch cụm công nghiệp đa ngành theo hướng phát triển bền vững là một trong những mục tiêu cơ bản và quan trọng của chính sách toàn cầu nói chung và các thành phố tại Việt Nam nói riêng.
Cụm công nghiệp đa ngành là tập hợp theo giới hạn địa lý các doanh nghiệp cùng nhau tạo ra lợi thế kinh tế cho các doanh nghiệp thành viên và nền kinh tế địa phương. Mục tiêu của chính sách phát triển kinh tế tại các cụm công nghiệp mang lại 3 lợi thế chính: 1) Hiệu quả theo cấp số nhân; 2) tiềm năng việc làm; 3) cơ hội cho doanh nghiệp mới. Các công ty thường phụ thuộc và phát triển mạnh cùng nhau khi có sự gần gũi về địa lý và tập trung tại một khu vực cho phép (cụm công nghiệp) để tạo nên sự kết nối giữa các ngành liên quan.
Trên thế giới: Việc phân cụm công nghiệp đã được thực hiện trên toàn thế giới với các lĩnh vực đa ngành.
Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thời gian gần đây phần lớn đạt được nhờ quá trình tái cơ cấu công nghiệp liên tục và nâng cấp năng lực khoa học công nghệ. Cụm công nghiệp của Singapore tập trung chủ chốt vào lĩnh vực điện tử, hóa chất, kỹ thuật và khoa học y sinh. Một số thành công của các cụm công nghiệp có được là do chiến lược phát triển bền vững trong thời gian dài từ Chính phủ và cơ quan liên ngành, hệ thống quản lý các cấp từ trên xuống.
Tại miền Đông Trung Quốc, TP Wuhu (Vu Hồ) thuộc tỉnh Anhui (An Huy) đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ giữa những năm 1990.
Tại Châu Âu, theo thống kê thực hiện trong năm 2016 – 2017, khoảng 150 tổ chức cụm công nghiệp trên 23 quốc gia ở Châu Âu đã kết nối. Họ đã liên kết và cùng nhau xây dựng chiến lược chung để hỗ trợ quốc tế hóa các doanh nghiệp, liên tục phát triển các công nghệ đổi mới, hợp tác với các môi trường nghiên cứu khoa học như các trường đại học.
Ở Việt Nam và các tỉnh thành: Theo số liệu thống kê năm 2020, cả nước ta đã thành lập mới 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 30.912 ha; trong đó có 730 Cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 22.336,3 ha đã đi vào hoạt động, thu hút gần 12.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 600.000 lao động. Đồng thời, thúc đẩy tiếp cận và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tăng trưởng kinh tế. Việc phát triển các cụm công nghiệp tại các tỉnh thành thường gắn liền với một số công tác quy hoạch là di dời, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bản hiện trạng. Bên cạnh việc thúc đẩy lợi ích kinh tế và xã hội, việc phát triển các cụm công nghiệp có những ảnh hưởng nhất định tới vấn đề môi trường của khu vực như phát sinh khối lượng chất thải lớn: Chất thải rắn, khí thải, chất thải nguy hại, ô nhiễm tiếng ồn… Và theo đánh giá hiện trạng, việc cân bằng lợi ích giữa môi trường và kinh tế, xã hội vẫn tồn tại những bất cập, công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế.
Tại một số đô thị như Hà Nam, Bắc Giang đã bắt đầu có những hướng nghiên cứu để phát triển cụm công nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Mục lục
Quy hoạch Cụm công nghiệp đa ngành
Nội dung chính của dự án quy hoạch phát triển cụm công nghiệp bao gồm:
- Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc lập quy hoạch;- Khái quát tình hình phát triển của các nhà máy đơn lẻ và khu công nghiệp trên địa bàn;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng xây dựng và phát triển công nghiệp trên địa bàn;
- Định hướng quy hoạch cho dự án bao gồm nội dung: vị trí, quy mô, phân vùng, chức năng ngành, điều kiện kết nối giao thông hạ tầng và bố trí thành phần đất đai;
- Xác định hệ thống giải pháp, cơ chế chính sách, phương án thực hiện và vận hành;
- Đánh giá tác động môi trường chiến lược;
- Đưa ra sản phẩm bản vẽ, bản đồ thể hiện nội dung quy hoạch.
- Giải pháp phát triển quy hoạch bền vững cụm công nghiệp
Nguyên tắc nền tảng của việc triển khai cụm công nghiệp đa ngành là phát triển các chính sách hỗ trợ cụm đã được xác định, từ đó hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Mục tiêu của các ngành cần được lên chiến lược, phân tích và xác định các cơ hội, điểm mạnh, điểm yếu, thách thức để thành công. Kết quả là cụm công nghiệp sẽ mang lại lợi ích kinh tế bằng cách khai thông tiềm năng kinh tế của ngành. Các thách thức chính mà các cụm công nghiệp phải đối mặt trong phát triển bền vững là đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.
Như vậy, cần Quy hoạch tổng thể ngay từ giai đoạn đầu để đảm bảo cán cân: Phát triển bền vững về Kinh tế + Môi trường + Xã hội, cụ thể như sau:
Phát triển quy hoạch Bền vững kinh tế
- Chính quyền cần tạo ra một môi trường khuyến khích đầu tư, thuận lợi cho yêu cầu sản xuất, hợp tác sản của cụm công nghiệp;
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chiến lược phát triển kinh tế cần hướng đến việc hòa mình vào mạng lưới sản xuất chung toàn cầu, đưa các doanh nghiệp địa phương vào hệ thống giá trị đẳng cấp thế giới, đặc biệt là các ngành có giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm;
- Thúc đẩy mạng lưới giữa các doanh nghiệp thành viên. Cân đối sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài và địa phương, tránh các tiềm năng rủi ro và thiệt hại cho cả cụm. Tránh tình trạng cô lập và ít tương tác của một số doanh nghiệp sẽ cản trở sự tăng trưởng, gây trở ngại cho sự phát triển và nâng cấp của toàn cụm công nghiệp. Thêm nữa, các doanh nghiệp trong một cụm cùng nhau tích cực hoạt động sẽ phát triển bền vững hơn vì mục tiêu lâu dài về chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sáng tạo tri thức, đổi mới và hợp tác bền vững, tuân thủ chung một thể chế môi trường kinh doanh và sản xuất.
Phát triển quy hoạch Bền vững môi trường
Các dự án cụm công nghiệp chỉ được phê duyệt và hình thành khi tiến hành nghiên cứu các đánh giá về tác động môi trường. Các báo cáo tác động môi trường là nội dung quan trọng khi lập quy hoạch, thẩm định và phê duyệt dự án, tập trung vào các nội dung sau:
- Phân loại các nhóm công nghiệp có mức độ ô nhiễm lớn, trung bình, nhẹ để xác định cấp độ độc hại, quy mô ảnh hưởng của các loại hình công nghiệp (Công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, công nghiệp xây dựng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí và gia công kim loại…) từ đó có giải pháp quy hoạch phù hợp;
- Dự báo xu hướng biến đổi của môi trường tự nhiên tại khu vực địa phương (nước, thực vật, thổ nhưỡng, khí hậu, sinh vật, đa dạng sinh học…). Đây là vòng tuần hoàn sinh thái của tự nhiên nên chỉ cần một yếu tố bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến sự mất cân bằng của tổng thể chu trình.
- Cần quy hoạch các không gian xanh, hành lang cách ly bên ngoài và bên trong cụm công nghiệp để tạo ra khoảng cách an toàn khác nhau đối với từng loại cấp độ độc hại;
- Bố trí tránh xa các nguồn nước ngầm, đầu nguồn nước sông, hồ, biển; tránh đầu hướng gió.
- Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường (VD: Quyết định 105/2009 / QĐ-TTg ngày 19/8/2009 xác định vấn đề môi trường cụm công nghiệp là một trong những nội dung chính của Đề án quy hoạch phát triển cụm công nghiệp).
- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thượng tầng kiến trúc đồng bộ chất lượng theo quy hoạch chi tiết.
Phát triển quy hoạch Bền vững xã hội
- Sự phát triển cụm công nghiệp gắn liền với xã hội là các khía cạnh về nguồn lực, khả năng tiếp cận thị trường tiêu thị.
- Mạng lưới xã hội ảnh hưởng rất nhiều tới sự vận hành của cụm công nghiệp.
- Cần xây dựng lòng tin của xã hội bằng các chiến lược bền vững về môi trường – kinh tế. cần thời gian để xã hội chấp nhận mô hình hoạt động này tại các địa phương.
Quản lý và vận hành cụm công nghiệp
Chính quyền địa phương đóng một vai trò đáng kể và gián tiếp trong việc phân cụm công nghiệp, đó là tạo ra một môi trường có lợi cho sự phát triển bền vững Kinh tế – Xã hội – Môi trường:
- Cơ sở hạ tầng chất lượng cao;
- Lực lượng lao động được đào tạo tốt;
- Hệ thống quản lý và quy định rõ ràng, hiệu quả;
- Nghiên cứu các chính sách phát triển liên quan;
- Chất lượng cuộc sống đạt tiêu chuẩn tốt;
Các cụm công nghiệp dễ dàng được hình thành và phát triển hiệu quả khi có sự hỗ trợ tài chính và thể chế riêng từ Nhà Nước.
Ngoài ra, không phải mọi cụm công nghiệp đều có thể đóng góp được vào sự phát triển bền vững (công nghiệp nặng). Đây là một thách thức lớn do đặc thù sản xuất, Nhà nước và cơ quan quản lý địa phường cần khuyến khích và giám sát các doanh nghiệp cố gắng thực hiện các hoạt động bền vững.
Xu hướng mới: Phát triển Công nghiệp sáng tạo (creative industry) trong giai đoạn hiện nay và tương lai
Công nghiệp sáng tạo nghĩa là ngành khai thác yếu tố con người với tài sản trí tuệ và năng lực sáng tạo, tri thức, từ đó trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra các lợi nhuận thương mại.
Công nghiệp sáng tạo là một mối quan hệ cộng sinh giữa yếu tố nhân văn và kinh tế, giữa con người và thương mại. Đây là một chu trình vận hành theo kiểu mới, khác với truyền thống, trong đó sự sáng tạo đóng vai trò là trung tâm, hạt nhân cần được thúc đẩy và ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam là đất nước phát triển mạnh về yếu tố con người với nền tảng văn hóa lâu đời. Con người xuất phát từ gốc nông nghiệp, có những đặc trưng tính cách và tay nghề linh hoạt, khéo léo, ứng biến nhanh nhẹn. Đặc biệt các thế hệ trẻ gần đây có những ưu điểm vượt trội về hội nhập quốc tế và thích ứng thời đại công nghệ 4.0. Đây là một tiềm năng lớn và cốt lõi để hình thành và phát triển ngành công nghiệp sáng tạo tại các đô thị ở Việt Nam.
Kết luận
Phát triển quy hoạch cụm công nghiệp bền vững, sáng tạo là một nội dung nghiên cứu hướng tới việc đạt được cân bằng giữa các khía cạnh xã hội, hoạt động kinh tế và môi trường. Hầu hết các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đều phải đối mặt với nhiều thách thức về tính bền vững trong nhiều lĩnh vực, một trong số đó là vấn đề phát triển ngành công nghiệp và cụm công nghiệp. Đây có thể nói là thách thức và ưu tiên quan trọng của thế giới hiện đại. Nghiên cứu đồng bộ các giải pháp quy hoạch cho cụm công nghiệp tại các tỉnh thành là một xu hướng chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Nguồn: tapchikientruc.com.vn