THÔNG TIN KHU CÔNG NGHỆ CAO – HỒ CHÍ MINH
I. Tổng quan Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (tên viết tắt: SHTP, theo tên tiếng Anh: Saigon Hi-tech Park). Dự án là 1 trong 3 khu công nghệ cao Quốc gia cho Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm: khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghệ cao Đà Nẵng và khu công nghệ cao Tp.HCM. Đây là 03 dự án nền tảng mở đầu cho xu hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao ở nước ta.
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh là một trong các phân khu quan trọng cho dự án thành phố sáng tạo phía đông TP.HCM. Tập hợp các ngành công nghệ cao bậc nhất Việt Nam, đây là dự án điểm của Tp. HCM sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghệ đạt chuẩn quốc tế.
Dưới đây, Redsunland xin giới thiệu khái quát về Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Tên: Khu Công nghệ cao thành thố Hồ Chí Minh
- Vị trí: Phường Tân Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
- Thời gian vận hành: 50 năm (2002 – 2052)
- Quy mô: 913 ha (giai đoạn 1 gồm 300ha, giai đoạn 2 gồm 613ha)
- Tỉ lệ lấp đầy: 99%
- Ngành nghề thu hút: (i)Vi điện tử – Công nghệ thông tin – Viễn thông; (ii)Cơ khí chính xác – Tự động hóa; (iii)Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; (iv)Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.
Về thu hút đầu tư:
- Tính đến hết tháng 4/2019, SHTP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,136 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định với tổng giá trị xuất khẩu lũy kế đạt khoảng 45,456 tỷ USD, đóng góp khoảng 94% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm nhấn quy hoạch của SHTP là Khu Không gian khoa học, nơi dành riêng cho các hoạt động nghiên cứu phát triển – Đào tạo – Ươm tạo, điều này đã mang đến tác động tích cực cho việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cũng như năng lực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam.
- Thống kê đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy SHTP là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới, trong đó có thể kể đến số lượng lớn các nhà đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như: Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ – 1,04 tỷ USD); Tập đoàn Nidec (Nhật Bản – 296 triệu USD); Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc – 2 tỷ USD), Tập đoàn Nipro (Nhật Bản – 300 triệu USD) … cùng khoảng 60% số lượng dự án từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ cao.
II. Vị trí địa lý của Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minhnằm ở cạnh Xa lộ Hà Nội kéo dài đến vành đai 2, phường Tân Phú, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, vị trí cửa ngõ Đông Bắc Tp. Hồ chí Minh. Khu công nghệ cao TP.HCM được xem là đầu mối kết nối với hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ, khu đô thị, khu tiện ích,… thuộc Tp. HCM và các tỉnh thành lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai,…
Trong phạm phi 5km, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh dễ dàng tiếp cận với: khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Đại học Quốc gia Tp. HCM, tuyến Metro Suối Tiên – Bến Thành (và các tuyến mở rộng), bến xe Miền Đông quận 9 (mới đi vào hoạt động), khu du lịch Đền Hùng,… Ngoài ra:
- Cách trung tâm thành phố: 15 km
- Cách cảng Cát Lái: 4 km
- Cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất: 18 km
Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh còn là tâm điểm được bao quanh bởi 42 khu công nghiệp và khu chế xuất của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
III. Cơ sở hạ tầng trong Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Hệ thống giao thông: Đường trong khu công nghiệp gồm hai trục đường chính, như đường D1 và D2 có lộ giới 52 mét kết nối giao thông nội khu và bên ngoài Khu. Các tuyến giao thông nội khu có chiều rộng mặt đường từ 19 mét đến 32 mét có kết cấu vững chắc, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, thu gom nước thải được đi ngầm theo tuyến giao thông nội khu.
Hệ thống điện: Công suất 110KVA P được kết nối đến 03 trạm cung cấp khác nhau, đảm bảo hoạt động 24/7;
Nhà máy xử lý nước thải: Có công suất 20.000m3/ngày đêm
Hệ thống cấp nước: Cung cấp nước ổn định từ nhà máy nước Thủ Đức, công suất 24.300m3/ngày đêm
Hạ tầng tiện ích nội khu cũng được đầu tư hoàn chỉnh gồm: Khu căn hộ cao cấp, khu nhà ở cho công nhân, trường học quốc tế và các khu vui chơi giải trí, siêu thị,…
IV. Ưu đãi đầu tư
Ưu đãi thuế cao nhất:
Theo quy định về thuế suất doanh nghiệp nước ngoài, để thu hút nguồn đầu tư, chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế. Theo đó, chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) trong 15 năm. Cụ thể, trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế (lợi nhuận dương), doanh nghiệp không cần phải đóng thuế thu nhập. Trong 9 năm tiếp theo, mức thuế tăng lên 5%, 2 năm tiếp là 10%. Sau khi hết thời hạn 15 năm, thuế suất tăng lên mức 22% nếu doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Riêng đối với các dự án lớn, có đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của quốc gia thì sẽ được tăng thời gian ưu đãi thuế CIT lên đến 30 năm, tùy theo tầm quan trọng của dự án.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và thương mại, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án và cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Và còn được miễn thuế cho sản phẩm CNC.
Ưu đãi tiền thuê đất và thuê nhà xưởng xây sẵn
Bên cạnh ưu đãi thuế trên, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng (tuy nhiên không quá 3 năm). Sau đó được miễn tiền thuê đất từ 15 năm – 19 năm theo quy định.
Nếu không xây mới cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp có thể thuê nhà xưởng có sẵn chất lượng cao, đầy đủ hạ tầng với các quy mô khác nhau với giá thuê từ 3.2 đến 5.5 USD/m2/tháng. Như thế, sẽ giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ tiềm năng kinh tế và có thể trực tiếp triển khai dự án nhanh chóng.